Dù những bức ảnh này đều có tính xác thực cao thông qua kiểm định, khoa học vẫn chưa bao giờ đưa ra được lời giải thích rõ ràng.
Vậy liệu những bức ảnh kỳ bí nhất trong lịch sử là thật hay giả mạo? Xin bạn hãy tự đánh giá.
Bóng ma trên trần nhà
Trở lại những năm 1950, khi gia đình Cooper từ Texas vừa chuyển đến ngôi nhà mới. Họ chụp một bức ảnh gia đình, nhưng khi bức ảnh được rửa, trên hình xuất hiện một cơ thể rơi xuống từ trần nhà.
Khi điều tra thêm về câu chuyện này, giới khoa học chưa hề đưa ra lời giải thích hợp lý. Vì vậy, có nhiều suy đoán rằng đó chính là bóng ma vị chủ nhân trước đây của ngôi nhà.
Bóng ma khép cửa
Gần đây hơn, camera an ninh tại Hampton Court, cung điện hoàng gia nằm trong khu vực Greater London (Anh), ghi lại hình ảnh một bóng đen đáng ngờ.
Theo đó, chiếc bóng dường như đang cố gắn đóng một trong những cánh cửa của cung điện, nhưng khi nhóm lính canh đến nơi, họ không tìm thấy ai ở đó.
Vì cung điện có một lịch sử đầy bạo lực đẫm máu, người ta tin rằng đây là một trong những con ma vẫn luôn ám tòa nhà.
Phi hành gia trên đồng cỏ
Một trong những bức ảnh bí ẩn nổi tiếng nhất thế giới được chụp bởi Jim Templeton gần Solway Firth ở Cumbria, nước Anh năm 1964.
Đằng sau con gái của Templeton, người được cho là nhân vật duy nhất trong bức tranh, có một thực thể trông tương tự phi hành gia. Nhưng Templeton khăng khăng rằng ông không thấy ai khác ở đấy khi bức ảnh được chụp.
Phân tích hiện đại gợi ý rằng đây này có thể là vợ của nhiếp ảnh gia, đứng xoay lưng về phía máy ảnh, nhưng thậm chí lời giải thích này cũng không thuyết phục.
Trở về cùng đồng đội
Năm 1919, thợ máy Freddy Jackson thiệt mạng vì tai nạn do một cánh quạt máy bay gây ra.
Hai ngày sau, phi đội của anh chụp một bức ảnh nhóm, nhưng khi bức ảnh được rửa, Freddy Jackson bất ngờ xuất hiện trong bức ảnh.
Các đồng đội xác nhận rằng người đàn ông trong bức ảnh thực sự là Freddy Jackson. Trên thực tế, bức ảnh được chụp cùng ngày với đám tang của chàng trai xấu số.
Họ tin rằng linh hồn của Freddy Jackson không hề biết đến cái chết của anh và vẫn hiện về buổi chụp ảnh theo đúng kế hoạch.
Bóng ma trên cầu thang hoa tulip
Rev. Ralph Hardy, một giáo sĩ đã nghỉ hưu đến từ White Rock, British Columbia, chụp bức ảnh nổi tiếng này vào năm 1966.
Ban đầu, ông chỉ muốn chụp một bức hình của Cầu thang Tulip thanh lịch ở khu Queen's House của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở Greenwich, Anh. Tuy nhiên, khi rửa, bức ảnh cho thấy một vật thể khổng lồ leo lên cầu thang.
Các chuyên gia đã kiểm tra bức âm bản và khẳng định tấm ảnh không hề giả mạo. Mặt khác, bức ảnh không phải là bằng chứng duy nhất về hiện tượng siêu nhiên tại tòa nhà 400 năm tuổi, Queen’s House.
Những điều bí ẩn khác bao gồm tiếng thì thầm của trẻ em, hình ảnh một người phụ nữ nhợt nhạt lau vũng máu dưới chân cầu thang Tulip (nơi khoảng 300 năm trước, một cô hầu bị ném khỏi bậc cao nhất và tử vong).
Rất nhiều tiếng đóng cửa, chân chạy thường xuyên xảy ra và thậm chí khách du lịch cũng bị ngắt nhéo bởi những ngón tay vô hình.
Cái chết bí ẩn của cô nữ sinh
Một câu chuyện đáng sợ khác xảy ra ở Los Angeles. Cái chết của Elisa Lam vẫn luôn là một điều bí ẩn kể từ khi xảy ra vào năm 2013. Thi thể cô sinh viên 21 tuổi được tìm thấy trong bể nước trên tầng mái của khách sạn Cecil nơi cô ở.
Không ai biết được vì sao cô gái leo lên được mái nhà, lúc đó đang bị khóa. Đồng thời, có một cảnh quay video kỳ dị cho thấy Elisa trong thang máy của khách sạn vào ngày cô ấy biến mất.
Trong đoạn phim, Elisa Lam bước ra, bước vào thang máy liên tục, cô nói chuyện và có nhiều cử chỉ lạ ở hành lang bên ngoài. Đôi khi cô gái núp vào trong thang máy, khi đó cũng bị hỏng hóc một cách kỳ lạ.
Chàng trai du hành vượt thời gian
Trong một bức ảnh chụp vào dịp khai trương cầu South Fork ở Gold Bridge, British Columbia năm 1941, mọi người đều có thể nhận ra sự khác thường.
Người đàn ông trẻ bận áo phông, đeo kính mát thời hiện đại nổi bật giữa nhóm quan khách với phong cách ăn mặc trong những năm 1940.
Chiếc máy ảnh mà người đàn ông nắm trong tay cũng có vẻ quá tiên tiến cho thời kỳ đó.
Những quả cầu lửa của rắn thần Naga
Đôi khi còn được gọi là đèn Mekong, quả cầu lửa của rắn Naga là một hiện tượng tự nhiên kỳ lạ thường xuất hiện trên sông Mekong, đoạn chảy qua Thái Lan và Lào.
Trong hiện tượng này, các quả bóng màu đỏ rực rỡ phát ra từ mặt nước, liên tục bay lên không trung. Nhiều nỗ lực khoa học cố gắng giải thích hiện tượng cầu lửa Naga nhưng vẫn chưa có đáp án đáng tin cậy nào.
Tấn Vĩ (Tổng hợp)